0 Giỏ hàng

Chung tay tiêu thụ nông sản sau dịch Covid-19

(28-09-2021)
     BDK - Qua 4 đợt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai thực hiện hỗ trợ kết nối tiêu thụ đạt kết quả khá tốt. Có sự kết nối đồng bộ của các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, xã và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp (DN). Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất và tiêu thụ nông sản kịp thời hơn.

Kết nối tiêu thụ sắn tại huyện Bình Đại. Nguồn: Baodongkhoi.vn
 
Tiêu thụ hết nông sản
     Từ ngày 20-7 đến 6-9-2021, sản lượng tiêu thụ trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...) khoảng 4.433 tấn, dừa uống nước (5,618 triệu trái) và dừa công nghiệp (14,333 triệu trái), rau ăn lá các loại 262 tấn; rau lấy quả các loại 218 tấn; rau lấy củ các loại khoảng 425 tấn (tăng mạnh nhất là củ sắn); dưa hấu tiêu thụ 1.570 tấn.
Tiêu thụ các sản phẩm thịt, trứng thông qua các thương lái phân phối sản phẩm chăn nuôi tại các chợ, siêu thị khá ổn định: thịt heo 3.133,76 tấn, thịt bò 3.360,51 tấn, thịt gia cầm các loại 2.246,09 tấn, trứng gia cầm 7,54 triệu trứng.
     Đối với cá tra, hầu hết là của DN nên đến cỡ thì thu về công ty chế biến. Hiện nay, các DN chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra khó khăn trong xuất khẩu do tình hình dịch Covid 19. Trong thời gian thực hiện giãn cách, lượng cá nguyên liệu các DN thu chưa nhiều để chế biến.
     Tổng sản lượng tôm nước lợ đạt kích cỡ thương phẩm đã thu hoạch và tiêu thụ 8.932 tấn. Riêng sò huyết, sản lượng đến thời điểm thu hoạch trong tháng 9-2021 là 310,2 tấn, tiêu thụ chậm.
     Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, việc thực hiện hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh lúc đầu cũng bộc lộ một số khó khăn trong công tác phối hợp. Còn lúng túng trong khâu rà soát, thống kê diện tích và sản lượng thu hoạch đối với từng sản phẩm nông sản tại địa phương. Việc tiêu thụ một số sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh còn chậm do thiếu nhân lực thu hoạch…
    “Hướng tới, Sở Công Thương tiếp tục chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, ổn định thị trường đầu ra, đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết.
Cả hệ thống chính trị chung tay
     Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh yêu cầu: Nông sản của tỉnh phải được tiêu thụ kịp thời, đúng tiến độ thu hoạch và ổn định đầu ra sau dịch Covid-19. Tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ sản phẩm.
     Theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để hỗ trợ tốt sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh tiếp cận và kết nối tiêu thụ tốt với các hệ thống phân phối, DN, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước. Đặc biệt, chào bán sản phẩm nông sản trên các sàn thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (online) như: Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart, Alibaba...
     Hỗ trợ kết nối với các đơn vị thu mua nông sản, các chợ đầu mối toàn quốc, các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các DN chế biến và cung ứng nông sản thực phẩm... đến tỉnh khảo sát, liên kết tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
     Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chỉ đạo: “Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của các địa phương trong việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại địa phương, phải có sự phối hợp chặt chẽ từ huyện đến xã, linh hoạt, chủ động rà soát lại diện tích sản xuất, sản phẩm nông sản, vụ mùa thu hoạch, sản lượng thu hoạch, giá (giá thu mua và phí vận chuyển). Từ đó, đề ra giải pháp hỗ trợ kết nối tiêu thụ đúng mục tiêu, đạt hiệu quả, bảo đảm nguồn cung ứng nông sản đủ cho thị trường tiêu dùng, ổn định cuộc sống của nông dân”.
     Đối với thị trường xuất khẩu, chủ động nắm bắt thông tin, tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các ngành có liên quan trong hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ tiêu thụ, tăng cường cung ứng, tìm kiếm và mở rộng các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Chủ động và thường xuyên liên hệ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc bộ để có sự ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hoạch, chế biến và xúc tiến tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh tại các thị trường trong và ngoài nước.
     Khuyến khích, hỗ trợ DN tập trung chế biến sâu và bảo quản bằng kho lạnh. Hỗ trợ mở rộng các kênh thông tin thị trường nông sản, kết nối với các nhà máy chế biến nông sản ngoài tỉnh để hỗ trợ thu mua, chế biến nông sản. Đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm quả sấy khô, sấy dẻo, đóng gói... với giá trị gia tăng cao.
     UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 5518 về hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh sau dịch Covid-19. Theo đó, sẽ tiến hành đánh giá tình hình tiêu thụ một số nông sản chủ lực của tỉnh theo Quyết định số 46/2019/QĐ-UBND ngày 8-11-2019 của UBND tỉnh khi các DN hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 và đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
     Đối tượng hỗ trợ là các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể và nông dân trong tỉnh. Sản phẩm hỗ trợ là một số sản phẩm nông sản chủ lực của các địa phương như dừa, quả, cây giống, rau, heo, bò, gia cầm, tôm, giống thủy sản.

     Dự báo sản lượng nông sản trong 3 tháng cuối năm 2021: trái cây các loại (cam, bưởi, chôm chôm, mít...) trên 35 ngàn tấn. Dừa uống nước trên 30 triệu trái và dừa công nghiệp khoảng 140 triệu trái. Rau các loại (ăn lá, lấy củ, ăn quả) trên 10 ngàn tấn; dưa hấu khoảng 9 ngàn tấn.

     Thịt heo khoảng 30 ngàn tấn. Thịt bò khoảng 15 ngàn tấn. Thịt gia cầm các loại trên 200 ngàn tấn. Trứng gia cầm khoảng 1,3 triệu trứng. Cá các loại khoảng 67 ngàn tấn (riêng cá da trơn khoảng 65 ngàn tấn. Hầu hết là của doanh nghiệp nên đến cỡ thì thu về công ty chế biến).

      Tôm nước lợ khoảng 36 ngàn tấn. Tôm càng xanh khoảng 300 tấn. Sò huyết 390 tấn. Nghêu khoảng 750 tấn. Cua khoảng 1 ngàn tấn.

 
Nguồn: baodongkhoi.vn